Sau loạn Hoàng Sào Vương_Xử_Tồn

Triều đình ban thưởng cho các tướng lĩnh, Lý Khắc Dụng được bổ nhiệm giữ chức Hà Đông[chú 5] tiết độ sứ, ông ta sau đó dùng Hà Đông làm căn cứ để tiếp tục khuếch trương thế lực.[5][6] Vương Xử Tồn tiếp tục tuân lệnh triều đình, song cũng liên kết với Lý Khắc Dụng, cho cháu của mình kết hôn với con gái của Lý Khắc Dụng. Tuy nhiên, láng giềng của Vương Xử Tồn là Thành Đức[chú 6] tiết độ sứ Vương Dung và Lô Long[chú 7] tiết độ sứ Lý Khả Cử lại lo sợ Lý Khắc Dụng, do đó họ quyết định tiến công Vương Xử Tồn rồi chia nhau Nghĩa Vũ. Vào mùa xuân năm 885, họ phát động tiến công, và thuyết phục Đại Đồng[chú 8] tiết độ sứ Hách Liên Đạc tiến công Lý Khắc Dụng để ngăn không cho quân Hà Đông cứu viện Vương Xử Tồn.[6]

Tuy nhiên, cuộc tiến công của Hách Liên Đạc không thể ngăn được Lý Khắc Dụng đến cứu viện Vương Xử Tồn, và quân Hà Đông đẩy lui quân Thành Đức. Tướng của Lý Khả Cử là Lý Toàn Trung chiếm được Dịch châu- một trong hai châu của Nghĩa Vũ. Tuy nhiên, quân Lô Long trở nên ngạo mạn sau khi chiếm được Dịch châu. Vương Xử Tồn cho 3.000 lính giả làm cừu (bằng cách mặc da cừu) tiến đến vào ban đêm. Quân Lô Long nghĩ rằng đó là cừu thật nên xông ra để bắt. Vương Xử Tồn sau đó tập kích đánh bại quân Lô Long và tái chiếm Dịch châu, buộc Lý Toàn Trung phải chạy trốn.[6]

Trong khi đó, Vương Trọng Vinh và người kiểm soát triều đình là Tả Thần Sách quân trung úy Điền Lệnh Tư xảy ra tranh chấp. Điền Lệnh Tư thỉnh Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ thuyên chuyển Vương Trọng Vinh đến Thái Ninh [chú 9], chuyển Thái Ninh tiết độ sứ Tề Khắc Nhượng chuyển đến Nghĩa Vũ, và chuyển Vương Xử Tồn chuyển đến Hà Trung. Vương Xử Tồn phản đối, nói rằng mình vừa mới đẩy lui cuộc tiến công của quân Lô Long/Thành Đức và không thể rời khỏi Nghĩa Vũ lúc này, và để giúp đỡ cho Vương Trọng Vinh, ông nói rằng Vương Trọng Vinh từng lập được đại công trong việc trấn áp Hoàng Sào và không nên dễ dàng bị thuyên chuyển. Điền Lệnh Tư bỏ qua phản đối của Vương Xử Tồn, lệnh cho ông phải đến Hà Trung. Vương Xử Tồn đến Tấn châu[chú 10], song sau đó phải đối mặt với kháng cự từ phía thuộc hạ của Vương Tọng Vinh là Tấn châu thứ sử Ký Quân Vũ (冀君武), do đó ông trở lại Nghĩa Vũ.[6]

Năm 892, Lý Khắc Dụng và Vương Xử Tồn tiến công Vương Dung, song bị đẩy lui.[7]

Năm 895, Vương Xử Tồn qua đời, binh lính ủng hộ con trai ông là Vương Cáo kế nhiệm.[8] Đường Chiêu Tông truy thụy cho ông là Trung Túc.[1]